Nhiễu điện từ làm hỏng các thiết bị điện – điện tử

Nhiễu điện từ (nhiễu dẫn và nhiễu bức xạ) đang là mối quan tâm của người tiêu dùng khi nó có thể ảnh hưởng lớn đến các thiết bị điện – điện tử khác. Trên thực tế, các thiết bị y tế như máy đo nhịp tim, máy đo huyết áp rất dễ bị sai lệch kết quả đo lường, các thiết bị như ca-mê-ra, cửa tự động… dễ bị trục trặc trong điều khiển, giám sát do ảnh hưởng của nhiễu điện từ.

nhieudientu

Nhiều năm trở lại đây, thị trường thiết bị điện tử, điện gia dụng tại Việt Nam phát triển rất nhanh chóng. Những sản phẩm như máy giặt, tủ lạnh, điều hòa không khí… có mức giá khá hợp lý và hầu hết các gia đình đều có thể mua và sử dụng.
Tuy nhiên đây cũng chính là những nguồn nhiễu điện từ có thể gây ảnh hưởng đến thiết bị điện – điện tử khác được sử dụng trong gia đình (như ảnh hưởng đến hệ thống điều khiển, xử lý thông tin của các thiết bị điện – điện tử), làm sai lệch về kết quả đo lường, điều khiển giám sát của các thiết bị như máy đo nhịp tim, máy đo huyết áp trong ngành y tế.
Chị Kim Anh, ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy băn khoăn cả buổi chiều tại một siêu thị điện máy lớn ở Cầu Giấy. Trước thông tin về ảnh hưởng của nhiễu điện từ đến các thiết bị điện – điện tử, chị cho biết gia đình chị đang sử dụng hai cái điều hòa, một máy giặt, một tủ lạnh nhưng nhu cầu vẫn cần thêm một máy điều hòa và một máy hút bụi nữa. “Lâu nay, cứ có nhu cầu là mua, còn tôi không quan tâm đến các tác động của nhiễu điện từ. Nay biết về vấn đề này tôi cũng khá băn khoăn khi chọn mua sản phẩm vì tôi ở cùng ông bà, ông mới bị bệnh tim phải phẫu thuật và có gắn thiết bị về tim. Máy đo huyết áp là thứ không thể thiếu trong gia đình có người cao tuổi nên tôi cũng lo nhiễu điện từ sẽ ảnh hưởng đến sự chính xác của máy” – chị Kim Anh bày tỏ.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, quản lý kỹ thuật của một trung tâm mua sắm lớn trên phố Tràng Tiền, Hà Nội cũng chia sẻ: “Các thang cuốn tự động, cửa tự động chỗ tôi cũng hay gặp những trục trặc trong giám sát, chuyển động. Khi tìm hiểu tôi được biết, phần lớn do nhiễu điện từ từ một số thiết bị như điều hòa trung tâm, bóng đèn, tủ lạnh, tủ đá hoạt động ở hầu hết các tầng trong tòa nhà. Tới đây, trung tâm sẽ thay thế, lắp mới máy điều hòa, bóng đèn… tôi sẽ trình lãnh đạo quan tâm đến các mặt hàng đạt tiêu chuẩn, tránh tình trạng trên”.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới cũng như Việt Nam nêu rõ: Nhiễu điện từ có ảnh hưởng không hề nhỏ đến các thiết bị điện – điện tử khác mà con người sử dụng.
Ngày càng nhiều thiết bị điện – điện tử được sử dụng, dẫn đến nguy cơ hoạt động sai do nhiễu điện từ tăng lên. Tại nhiều nước trên thế giới, việc đưa ra quy chuẩn tương thích điện từ (EMC) vào quản lý đối với các thiết bị điện – điện tử là yêu cầu bắt buộc nhằm kiểm soát, loại trừ hoặc hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra gây mất an toàn cho hạ tầng cơ sở (mạng thông tin, viễn thông, điều khiển, mạng điện…), cũng như bảo vệ môi trường tài nguyên (dải tần số vô tuyến), đồng thời nhằm bảo đảm sự hoạt động ổn định của các thiết bị, phòng tránh các sự cố gây ra do tương tác, can nhiễu quá mức khiến các thiết bị hoạt động sai lệch, không đúng tính năng hoặc nghiêm trọng hơn, làm tê liệt hoặc hư hỏng.
Năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với các sản phẩm điện tử, điện gia dụng như điều hòa, tủ lạnh, tủ đá, dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, máy khoan cầm tay, bóng đèn bal-lát, máy hút bụi, máy giặt. Theo đó, tất cả các sản phẩm kể trên sau khi được sản xuất trong nước hoặc nhập từ nước ngoài về Việt Nam đều phải được lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá chứng nhận xem có phù hợp với quy chuẩn về tương thích điện từ hay không. Nếu phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật quy định trong quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN thì thiết bị điện và điện tử đó sẽ được gắn dấu hợp quy CR, được đưa ra lưu thông trên thị trường.
Ngược lại, nếu các thiết bị điện và điện tử này có giới hạn phát xạ nhiễu điện từ (nhiễu dẫn và nhiễu bức xạ) vượt ngưỡng cho phép ảnh hưởng đến các thiết bị khác, gián tiếp gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng thì sẽ không được đưa ra lưu thông trên thị trường.
Để hướng dẫn chứng nhận phù hợp QCVN 9:2012/BKHCN đối với các thiết bị điện – điện tử và các mục đích tương tự, ngày 15-10-2014, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ-TĐC và các tổ chức chứng nhận được chỉ định phải thực hiện theo quyết định này.
Theo đó, từ ngày 1-6-2015, các thiết bị điện tử gồm: dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, máy khoan cầm tay hoạt động bằng động cơ điện sẽ được áp dụng và từ ngày 1-1-2016 các thiết bị điện tử: bóng đèn có balát lắp liền; máy hút bụi; máy giặt; tủ lạnh, tủ đá; điều hòa không khí sẽ chính thức áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ trường trên phạm vi toàn quốc.